Bối cảnh Chuyến_thăm_Việt_Nam_của_Vladimir_Vladimirovich_Putin_2024

Tiền thân của hai nước Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Nga (Liên Xô) đã chính thức đặt mối quan hệ ngoại giao từ ngày 30 tháng 1 năm 1950. Sau khi Liên Xô tan rã, ngày 16 tháng 6 năm 1994, Việt Nam và Liên bang Nga mới chính thức ký những Hiệp ước đầu tiên về quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước mới. Đến năm 2001, Nga và Việt Nam ký quan hệ Đối tác chiến lược và sau đó Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.[1] Chuyến thăm cấp nhà nước gần nhất của Tổng thống Nga đến Việt Nam là vào năm 2013, sau khi ông này tái đắc cử Tổng thống Nga gần một năm. Tuy nhiên, lần gần nhất ông đặt chân đến Việt Nam lại là năm 2017 khi nước này đăng cai APEC. Việc Putin đến thăm Việt Nam vào năm 2024 đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai của ông, nhưng là chuyến thăm thứ năm của ông đến Việt Nam trong tư cách là một nguyên thủ quốc gia.[2][3] Chuyến thăm cũng nằm trong năm đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của ông Putin khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 cách đây hơn một tháng[4][5] và nhân dịp hai quốc gia đánh dấu 30 năm ký Hiệp ước hữu nghị Nga – Việt Nam.[5] Trước chuyến thăm chính thức của Putin, Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev và Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin cũng đã có chuyến thăm đến Việt Nam lần lượt vào tháng 5 và tháng 10 năm 2023.[6]

Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh vào tháng 3 năm 2023, ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã với cáo buộc ông đã gây ra tội ác chiến tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, Việt Nam và Nga đều không phải là thành viên của tổ chức này nên không cần tuân thủ các phát lệnh mà tổ chức này ban bố.[7][8] Trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina vào năm 2022 cũng đã khiến cho đường lối "ngoại giao cây tre" của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi cả hai quốc gia tham gia cuộc chiến đều là các quốc gia từ Liên Xô cũ. Trong biểu quyết tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về cuộc chiến, Việt Nam cũng đã bỏ phiếu trắng được cho là nghiêng về phía Nga.[9] IndiaTimes cũng đã dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải phân cực trong tương lai và lên án hành động của Nga trong cuộc xâm lược của nước này vào Ukraina.[10] Tuy nhiên, trước chuyến thăm của Putin đến Việt Nam vài ngày, nước này đã từ chối tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraina diễn ra tại Thụy Sĩ mặc dù quốc gia này đã có thư mời đến hội nghị.[11] Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã cho biết, nước này "ủng hộ giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên Hợp Quốc".[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chuyến_thăm_Việt_Nam_của_Vladimir_Vladimirovich_Putin_2024 https://baoquocte.vn/tong-thong-lb-nga-vladimir-pu... https://www.reuters.com/world/putin-visit-north-ko... https://www.reuters.com/world/asia-pacific/old-han... https://www.reuters.com/world/asia-pacific/us-rebu... https://www.voatiengviet.com/a/7604375.html https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cpddl7v48g... https://tuoitre.vn/tong-thong-putin-tham-cap-nha-n... https://hanoionline.vn/tong-thong-putin-nguoi-dua-... https://tuoitre.vn/viet-nam-nga-phoi-hop-thu-xep-c... https://www.nbcnews.com/news/world/arrest-warrant-...